Bạn có bao giờ nghĩ một công ty có thương hiệu lớn như OMO tại sao lúc nào cũng thấy quảng cáo liên tục. Tại sao thương hiệu bột giặt mà khi nhắc tới là ai cũng nghĩ đến đầu tiên vậy mà họ cứ liên tục quảng cáo và không có dấu hiệu ngừng.
Nếu bạn để ý thì trong vài năm gần đây các ca sĩ rất thường xuyên ra các single, không còn ra nhiều album dài (10 bài trở lên). Và chừng cách 1-2 tháng thì họ lại ra tiếp một single nữa.
Vì để quá trình sản xuất ra 1 album tốn khoảng 2-3 năm và đó là khoảng thời gian quá dài để người ta chờ đợi và nhớ đến bạn. Cộng với việc áp lực lớn từ các thế hệ ca sĩ trẻ thì các ca sĩ này phải tiếp xúc với công chúng nhiều hơn, thay vì 3 năm một lần thì bây giờ là 3 tháng 1 lần.

Sau nhiều năm tung ra rất nhiều bản Hit, Sơ Tùng hiện tại mới đưa ra một album đầu tay
Hay lấy ví dụ về Sơn Tùng MTP. Anh là một ca sĩ luôn được nhắc tới liên tục khi ra nhiều single nhưng đến giờ chỉ có một album chính thức, hay lấy ví dụ về những hiện tượng mới nổi gần đây như Chi Pu và Zero9 thì các ca sĩ nhóm nhạc này mỗi tháng điều ra một MV đơn để cho mọi người đều nhớ đến và nhắc đến họ.
Nếu bạn không quảng cáo thường xuyên, không đưa hàng vào địa điểm bán thường xuyên như cái cách mà các ca sĩ tung ra single, người ta sẽ lãng quên bạn.
Duy trì Top of mind (TOM) hay còn gọi là “độ nhận biết đầu tiên” là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của người làm tiếp thị. Mọi chi phí đầu tư quảng cáo phần lớn dành cho mục đích này. Thương hiệu nào được nhớ đến đầu tiên khi người tiêu dùng lựa chọn bột giặt, thương hiệu đó có cơ hội được mua đầu tiên. Và không may cho các nhà làm tiếp thị, người tiêu dùng có trí nhớ hữu hạn. Và quảng cáo đơn giản là cuộc chiến dành lấy bộ nhớ và sự nhận biết đầu tiên của khách hàng.
Nếu OMO không quảng cáo thường xuyên và Tide thì ngày nào cũng quảng cáo, chắc chắn rằng sẽ không ai còn nhớ đến OMO nữa. OMO trong tâm trí chúng ta chỉ là một loại bột giặt, không phải người ta thương yêu. Điều ta yêu thương, ta “nhốt” nó vào một phần của bộ nhớ dài hạn, và dù có xa cách, ta vẫn nhớ vì nó có những ký ức khó phai mờ. Omo thì khác, nó cần liên tục xuất hiện để người ta không quên.
Từ đó, cuộc chiến truyền thông, để thắng được, ngoài ý tưởng hay ra, nó còn phải có tần số xuất hiện hợp lý. Lâu lâu mới làm một bộ phim quảng cáo hay thật hay cũng giống như đầu tư nghiêm túc cho album sau 3 năm. Chỉ tiếc là trong 3 năm đó, người ta chẳng còn nhớ bạn nữa mà chuyển sang hâm mộ ca sĩ khác rồi.
Người tiêu dùng có cái lý của họ. Cứ lâu lâu không thấy bạn quảng cáo, họ hoàn toàn có thể cho rằng công ty bạn đã phá sản. Đẹp trai chưa chắc bằng “chai mặt”. Bởi vậy hãy luôn nhớ đến câu xa mặt cách lòng trong quảng cáo. Và đó là lý do đầu tiên trả lời cho câu hỏi “Vì sao OMO lại quảng cáo hoài”